Sự thất bại của FTX không phải điều gì mới mẻ đối với Bitcoin. Đồng tiền mạnh nhất đã tồn tại qua nhiều lần thị trường sụp đổ, downtrend và thậm chí là lệnh cấm hoàn toàn trong suốt hơn một thập kỷ tồn tại.
Sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX là cơ hội cho những người phản đối tiền mã hóa một lần nữa bước ra ánh sáng. Quan điểm của họ là “BTC sẽ chết” và chính phủ cần có bộ quy định nghiêm khắc đối với crypto. Chetan Bhagat – nhà phê bình nổi tiếng đến từ Ấn Độ – cho rằng tiền mã hóa hứa hẹn quyền lợi lớn cho người dùng từ sự phân cấp nhưng cuối cùng lại dẫn đến chủ nghĩa độc đoán và những thiệt hại nặng nề.

Nhưng thật bất ngờ, trái ngược với những “lời hăm dọa” từ khắp nơi trên thế giới về sự sụp đổ nhanh chóng của mình, BTC dường như đang thực sự hồi sinh với những dấu hiệu khả quan. Đây không phải lần đầu BTC vực dậy từ khủng hoảng, kể từ khi ra mắt vào năm 2009 với giá vài xu, BTC đã trải qua hơn 500 lần thông báo “Bitcoin is dead”.

Sự sụp đổ của FTX và Alameda tuy đã giáng một đòn nặng nề vào thị trường nhưng tương tự như các sự kiện trước đây, chúng chỉ nhấn mạnh sự thất bại trong việc tập trung hóa trong thị trường crypto. Từ đó, Bitcoin càng trở nên đặc biệt khi đi ngược lại với xu hướng và bảo toàn tính chất phi tập trung hóa của mình.
Vụ việc này cũng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển trong các sàn giao dịch không lưu ký (non-custodial). Giao dịch trên thị trường ngày càng giảm thiểu sự phụ thuộc vào lòng tin.
FTX không nắm giữ nhiều BTC
Các nhà giao dịch nhanh chóng rút BTC của họ khỏi các sàn giao dịch lưu ký ngay sau sự sụp đổ gây sốc của FTX. Đặc biệt, các sàn giao dịch có trụ sở tại Mỹ đã chứng kiến dòng tiền chảy ra lớn nhất mọi thời đại khi ghi nhận hơn 1,5 tỷ USD BTC biến mất chỉ trong tuần qua.

Chính việc FTX ra quyết định tạm dừng rút tất cả các loại tiền mã hóa, bao gồm cả Bitcoin, đã làm dấy lên nghi ngờ rằng sàn giao dịch không có đủ dự trữ để đáp ứng nhu cầu. Điều này càng thể hiện rõ hơn trong bảng cân đối kế toán FTX bị rò rỉ cho thấy sàn giao dịch này không có đủ Bitcoin cho khoản nợ phải chi trả trị giá 1,4 tỷ USD bằng BTC.
Jan Wüstenfeld – nhà phân tích thị trường độc lập – cho biết: “Một mặt, người dùng đối mặt với nguy cơ mất trắng tài sản sau khi sàn giao dịch sụp đổ. Mặc khác, họ có thêm cơ hội khi thực tế là nguồn cung Bitcoin tăng lên trong thời gian ngắn, làm giảm giá và ngăn chặn việc phát hiện ra giá thực”.
Vì FTX không nắm giữ nhiều BTC đủ để làm dao động thị trường khi họ “xả hàng” nên tính tính thanh khoản vẫn được bảo đảm. Sự kiện này cũng có khả năng tạo ra một nhóm “cá mập” mới nắm giữ Bitcoin bằng cách tự quản lý thay vì phó mặc cho các sàn giao dịch rủi ro.
Sam Bankman-Fried thuộc nhóm anti-Bitcoin
Người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried (SBF) là nhà tài trợ lớn thứ hai của Đảng Dân chủ sau George Soros cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. SBF chi gần 45 triệu USD để vận động hành lang cho các quy định về tiền mã hóa, được cho là có lợi cho FTX.
Nhưng có nhiều suy đoán rằng SBF cố gắng làm giảm sự phát triển của Bitcoin thông qua các nhà lập pháp Mỹ. Trong nhiều bài phát biểu trước đây, Sam không ngần ngại hạ thấp hiệu quả của Bitcoin trong vai trò là hệ thống thanh toán.
Các chuyên gia cũng chỉ ra mối liên hệ giữa SBF và Thượng nghị sĩ chống đối tiền mã hóa Elizabeth Warren. Cha của Sam – Joseph Bankman – là người giúp Elizabeth Warren soạn thảo luật thuế vào năm 2016.
Ảnh hưởng của SBF đối với các nhà lập pháp Mỹ hiện đã không còn khi nhà sáng lập FTX phải đối mặt với các cáo buộc hình sự vì sử dụng trái phép tiền của khách hàng cho các giao dịch FTX.
Sự thanh lọc thị trường
Sự suy thoái của thị trường tiền mã hóa trong quá khứ có nguồn gốc từ sự thất bại của những người chơi tập trung cũng như các “altcoin” bị biến thành công cụ kiếm tiền.
Token FTT của FTX chỉ là một ví dụ mới nhất. Các dự án thất bại khác góp phần gây ra sự suy giảm trong thời gian qua còn có nền tảng cho vay Defi Celsius Network (CEL) và Terra (LUNA)…
Được tạo và vận hành bởi các thực thể tập trung, việc cung cấp các token và giá cả của chúng trở nên dễ bị thao túng. Điển hình nhất là sự phân bổ khai thác không được tiết lộ, giao dịch VC nội bộ, tung ra thị trường một lượng nhỏ so với tổng nguồn cung thực sự…
Việc tiếp xúc với các token như vậy, đặc biệt là ở dạng tài sản thế chấp, dễ dàng đẩy các quỹ phòng hộ tiền mã hóa như Three Arrow Capital, Alameda Research và nhiều quỹ khác sụp đổ.
BOOX Research lưu ý: “Theo quan điểm của chúng tôi, bong bóng tiền mã hóa xuất hiện trong năm nay là do các token được tạo ra chỉ nhằm mục đích đầu cơ”.
Do đó, sự bùng nổ thị trường của các altcoin mà lẽ ra không nên tồn tại, bao gồm cả FTT, có thể củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư vào Bitcoin. Các tổ chức đầu tư dựa trên Bitcoin đã thu về 18,8 triệu USD, tính đến giữa tháng 11, nâng dòng vốn đầu tư từ đầu năm đến nay lên 316,5 triệu USD.

James Butterfill – trưởng bộ phận nghiên cứu tại CoinShares – cho biết: “Dòng tiền vào bắt đầu từ cuối tuần do được thúc đẩy bởi sự sụp đổ của FTX và Alameda. Điều đó cho thấy rằng các nhà đầu tư coi sự giảm giá này là một cơ hội để phân định giữa các bên thứ ba “đáng tin cậy” và một hệ thống vốn không cần sự tin tưởng”.
Dữ liệu on-chain cũng ghi nhận Bitcoin không có sự sụt giảm nhu cầu trong thị trường gấu so với năm 2018. Số lượng địa chỉ Bitcoin khác 0 tiếp tục tăng bất chấp xu hướng giảm giá, đạt mức cao kỷ lục 43,14 triệu vào ngày 16/11.

Kết luận
Mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn nhưng cho đến thời điểm hiện tại, các chỉ số BTC đều cho thấy các nhà giao dịch đã tự tin hơn về khả năng phục hồi giá. Hiệu ứng domino từ FTX không phải là điểm kết thúc cho thị trường mà ngược lại là cơ hội loại bỏ phần mục nát và tiếp tục phát triển xanh tốt trong tương lai.