Snoop Dogg hợp tác với các nghệ sĩ mở bán bộ sưu tập music NFT, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Mỹ thông báo hợp tác độc quyền với OneOf, thị trường NFT hỗ trợ bởi nhà sản xuất thu âm huyền thoại Quincy Jones. Hay gần đây, SM Brand Marketing (SMBM), công ty con của tập đoàn giải trí Hàn Quốc SM Entertainment (SM) bắt tay với Binance để phát triển các dịch vụ giải trí như game và âm nhạc dưới dạng NFT là những tin tức nóng mà cộng đồng chứng kiến gần đây.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến những nghệ sĩ tên tuổi như trên, thậm chí là các ông lớn trong lĩnh vực giải trí và âm nhạc lại quan tâm đến NFT như vậy?

Music NFTs là gì?

Music NFTs là các sản phẩm âm nhạc như bài hát, đĩa đơn hay album… được sản xuất và phát hành dựa trên công nghệ blockchain dưới dạng token “không thể thay thế”. Việc không có một bản sao khác ngoại trừ bản gốc giúp tính độc quyền sở hữu sản phẩm của các nghệ sĩ trở nên đảm bảo và nhận được nhiều lợi ích hơn.

Ví dụ: Khi nghệ sĩ A muốn phát hành sản phẩm âm nhạc phải trả phí để sở hữu và thưởng thức, thay vì phát hành miễn phí trên các nền tảng. Họ tìm đến dự án sản xuất NFT để hợp tác và cho ra mắt các sản phẩm âm nhạc được token hóa, biến chúng trở thành duy nhất. Lúc này, người dùng muốn nghe phải thanh toán thông qua blockchain để sở hữu sản phẩm NFT độc quyền này.

Đọc thêm: Music NFTs là gì?

Tổng quan thị trường music NFTs

Những dự án music NFTs được phát triển chủ yếu trên nền tảng Ethereum khi các mảng ghép khác nhau như marketplace, angency và streaming… đang dần được bổ sung và hoàn thiện.

Tổng hợp những dự án music NFTs. Nguồn: @Coopahtroopa

Nhằm hỗ trợ các nghệ sĩ tiếp cận NFT và thị trường, những dự án như Zora hay SoundMint tìm đến và hợp tác các ca sĩ để chuyển đổi hóa tác phẩm âm nhạc thành NFT và sử dụng trên không gian blockchain. Ví dụ SoundMint bắt tay với DJ Kloud cho ra mắt bộ sưu tập các hình ảnh, đoạn nhạc được NFT hóa và ghép với nhau.

Một hình thức nữa để nghệ sĩ có thể kiếm thêm thu nhập đó là stream nhạc trên các nền tảng phát nhạc như Spotify hay Apple Music. Nhược điểm của các nền tảng truyền thống này là việc phí trả cho tác giả rất thấp, thậm chí chưa đến 1 cent (230 đồng) cho mỗi lần nghe.

RAC – nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc người Mỹ gốc Bồ Đào Nha từng đoạt giải thưởng Grammy – cho biết: “Nếu chúng tôi có thể xây dựng lại hệ thống ngành công nghiệp âm nhạc, tất cả những thành phần trung gian (agency, đội ngũ luật sư và giám đốc điều hành phòng thu…) sẽ phải cạnh tranh với các đoạn mã code.” Chi phí để vận hành các bên trung gian này làm cho giá trị sản phẩm mà các nghệ sĩ nhận lại không đủ để phát triển sự nghiệp của họ.

Biểu đồ về doanh thu từ việc stream nhạc ở nước Mỹ từ năm 2010 đến năm 2020. Nguồn: Statista

Phát trực tuyến âm nhạc là phần quan trọng trong ngành công nghiệp âm nhạc, nhưng chỉ một phần nhỏ trong doanh thu đó đến tay các nghệ sĩ. Các nền tảng phát trực tuyến Web 3.0 như Audius cho phép tạo cơ cấu doanh thu tốt hơn cho các nghệ sĩ khi Audius trả gần 0.35 USD cho mỗi luồng do cấu trúc token AUDIO của dự án.

Ngoài ra, bộ sưu tập và các bản audio NFT được trao đổi trên marketplace đa dạng như OpenSea hay NiftyGateway giúp các sản phẩm âm nhạc tiếp cận đến cộng đồng rộng rãi và người dùng nhiều hơn. Dự án Catalog được thành lập với mục đích cách mạng hóa ngành công nghiệp âm nhạc bằng cách trao quyền cho các nghệ sĩ. Trên nền tảng, các nghệ sĩ được hỗ trợ trực tiếp để NFT hóa tác phẩm và nhận được 100% doanh thu kèm với một phần lợi nhuận khi mỗi lần tác phẩm được bán lại.

Tháng 10/2021, Catalog hợp tác với nghệ sĩ Bajan Haleek Maul để mở bán 4 bản nhạc bao gồm Inner EP. Đợt mở bán chỉ kéo dài 13 phút và thu về 56 ETH (235 nghìn USD). Trong đó, tác phẩm Touch được bán với giá 17.1039 ETH (68 nghìn USD).

Thị trường NFT với lĩnh vực âm nhạc quả thực đang trở nên sôi động và thu hút được nhiều những nghệ sĩ tên tuổi khác nhau. Việc phát hành các bản nhạc dưới dạng NFT giúp tác giả nhận được nhiều lợi ích chứ không đơn thuần chỉ là về mặt tài chính.

Haleek Maul tích cực hợp tác với Catalog để ra mắt nhiều sản phẩm âm nhạc hơn. Nguồn: @HaleekMaul

Lý do NFT hấp dẫn với ngành công nghiệp âm nhạc

NFT là lựa chọn được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng chọn lựa để phát hành sản phẩm âm nhạc bởi tính độc nhất và những lợi ích mang lại.

Tính độc nhất

Mỗi NFT được phát hành chỉ có duy nhất một bản, kể cả có người tạo ra bản sao thì tính chất và nguồn gốc của chúng vẫn khác so với bản gốc khi có thể kiểm tra được dữ liệu, chữ ký tác giả và thông số NFT dễ dàng ở on-chain. Điều này khiến cho những sản phẩm NFT âm nhạc có số lượng giới hạn, làm tăng độ khan hiếm của tác phẩm và không trở nên đại trà.

Mỗi NFT là độc nhất và có thể kiểm tra thông tin dễ dàng trên các marketplace. Nguồn: OpenSea

Trên OpenSea hay các nền tảng marketplace khác, các music NFT của Snoop Dogg được bán đa dạng và phong phú. Các bản nhạc và sản phẩm đều có số lượng phát hành giới hạn được đánh số. Những bản nhạc, sản phẩm này là độc nhất, giới hạn trong số lượng nhất định là có thể kiểm tra dễ dàng các thông tin cơ bản và on-chain của NFT.

Tính sở hữu

Luôn luôn có thể xác minh được tác giả của NFT ở on-chain. Ngoài ra người dùng khi sở hữu nắm toàn quyền trao đổi và sử dụng NFT đó mà không cần thông qua bên thứ ba như các hãng đĩa thu âm hay công ty phát hành để cho ra mắt sản phẩm.

Sản phẩm NFT của nhiều nghệ sĩ khác nhau được bán trên Catalog

Khi các nghệ sĩ mở bán bộ sưu tập sản phẩm qua các nền tảng như OneOf, Catalog hay OpenSea… họ không phải bán tiền bản quyền cho bên thứ ba như các hãng địa thu âm truyền thống để từ đó chia sẻ lợi nhuận. Với NFT và trên blockchain, tính phi tập trung là yếu tố để giải quyết vấn đề khi nghệ sĩ có toàn quyền về mua bán và phát hành sản phẩm mà không bị phụ thuộc hay chảy “máu chất xám” như trước.

Không cần cấp phép

Khi phát hành sản phẩm dưới dạng NFT trên blockchain, tác giả không bị ràng buộc pháp lý chặt chẽ hay trải qua nhiều thủ tục kiểm duyệt rắc rối như trên các nền tảng truyền thống mà có thể ra mắt sản phẩm nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Nghệ sĩ phát hành sản phẩm trên các dự án music NFT dễ dàng hơn thay vì phải thông qua nhiều thủ tục và kiểm duyệt nội dung đến từ công ty thu âm hay các nền tảng truyền thống. Thông qua việc hợp tác với các dự án hay chỉ đơn giản là tạo xong tài khoản trên nền tảng music NFTs, nghệ sĩ có thể đăng tải và mở bán các sản phẩm một cách toàn quyền và nhanh chóng.

Tiền bản quyền, stream nhạc

Trước kia, tiền bản quyền phát hành tác phẩm được các công ty thu âm xử lý thì giờ đây, các nghệ sĩ có thể nhận được thêm tiền bản quyền sản phẩm mỗi khi sản phẩm NFT đó được giao dịch trên thị trường. Ví dụ như 10% tổng số tiền mỗi lần giao dịch NFT được trả cho tác giả của sản phẩm.

Giao diện của nền tảng Audius

Ví dụ như dự án BitSong, các nghệ sĩ khi phát hành trên nền tảng nhận được 100% tiền bản quyền. Với dự án Audius, nghệ sĩ có toàn quyền đăng tải, việc stream nhạc được trả phí cao hơn thay vì chỉ nhận được chưa đến 1 cent khi stream trên Spotify hay Apply Music.

Với những tính chất cơ bản trên, việc sở hữu các tác phẩm âm nhạc dưới dạng NFT trở nên có giá trị hơn và có thể coi là một lĩnh vực đầu tư tiềm năng đối với nghệ sĩ trong thị trường giải trí này. Tuy nhiên, music NFTs vẫn đang phát triển giai đoạn đầu để hoàn chỉnh khái niệm, các dự án vẫn còn nhiều vấn đề, nghệ sĩ và người hâm mộ chưa thực sự đông đảo như các nền tảng truyền thống.

Đối với một số người, việc sở hữu các sản phẩm âm nhạc NFT từ nghệ sĩ thần tượng giống như những món đồ giới hạn (limited) được sưu tập và lưu trữ trong không gian blockchain. Ngoài ra, đây còn là một khoản đầu tư nếu tên tuổi của nghệ sĩ đó ngày càng nổi tiếng thì giá trị những sản phẩm âm nhạc lẫn NFT của họ từ đó cũng tăng theo.

Khác với những sản phẩm hay token thông thường được tạo ra với số lượng lớn cho nhiều mục đích khác nhau, NFT được định giá không theo một quy chuẩn chung mà giới hạn số lượng và phụ thuộc vào độ hiếm. Đặc biệt, sự tích hợp của thị trường tiềm năng với thị trường giải trí lâu đời sẽ tạo ra những cơ hội mới, sự kiện đột phá để những nhà sáng tạo và nghệ sĩ tham gia trải nghiệm và phát triển sự nghiệp.

Ví dụ điển hình

Rapper Snoop Dogg là người đi đầu và ủng hộ việc phát hành các sản phẩm thu âm và bộ sưu tập dưới dạng NFT trên các nền tảng khác nhau. Đầu tháng 4, nam rapper và nghệ sĩ Champ Medici công bố ra mắt bộ sưu tập NFT bao gồm sản phẩm âm nhạc chưa được phát hành, vật phẩm mang tính biểu tượng và những phiên bản “pitches” giới hạn trên nền tảng Cardano.

Rapper huyền thoại Snoop Dogg ra mắt bộ sưu tập NFT trên Cardano

Steve Aoki nhanh chóng tham gia vào thị trường khi hợp tác với nghệ sĩ thị giác nổi tiếng Antoni Tudisco để tung ra bộ sưu tập NFT đầu tay Dream Catcher. Theo báo Rolling Stone, toàn bộ bộ sưu tập của nam DJ đem về cho anh hơn 4,2 triệu USD (97 tỷ VND).

Steve Aoki cho biết “Đây giống như cách mọi người mua áo thi đấu của các vận động viên yêu thích, mua Pokemon hay bất kể thứ gì họ đang sưu tập. Ngày nay, âm nhạc đang trở thành ngành công nghiệp sưu tầm khổng lồ khác”. Ông nói rằng trong một thế giới mà các nhạc sĩ kiếm được chưa đến một xu mỗi lần tác phẩm của mình được stream trên Spotify và các chuyến lưu diễn trực tiếp có bị hủy khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Aoki coi các vật phẩm NFT tạo ra là nguồn thu nhập mới và cực kì quan trọng.

Steve Aoki với nhân vật NFT trong bộ sưu tập “Dream Catcher”

Tại Việt Nam, nam rapper đình đám, BinZ xuất hiện trên trang Binance NFT với những tấm thẻ NFT và những đoạn video ngắn trong bài hát Don’t Break My Heart. Thông qua việc ra mắt single mới dưới định dạng NFT, Binz trở thành một trong những nghệ sĩ Việt Nam tiên phong tham gia vào cuộc đua phát hành sản phẩm kỹ thuật số trên nền tảng blockchain.

Các tác phẩm NFT của Binz mở bán trên Binance NFT

Ngoài ra, nhiều sĩ âm nhạc thế giới bước chân vào thị trường NFT để đa dạng hóa sản phẩm và trải nghiệm trong sự nghiệp nghệ thuật như Shawn Mendes, Grimes, Kings Of Leon… Sự mới mẻ và tiềm năng phát triển nghệ thuật kỹ thuật số khiến cho mỗi ngày chúng ta đều thấy những tin tức không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà nhiều tên tuổi trong các lĩnh vực khác nhau thông báo tham gia vào thị trường tiền mã hóa và NFT.

Tại sao lại phải mua NFT thay vì chỉ cần thu âm lại bản gốc tác phẩm đó?

Bất cứ ai cũng có thể thu âm và sao chép sản phẩm âm nhạc NFT bằng nhiều cách khác nhau, như việc mọi người tải lậu sản phẩm thu âm độc nhất của một ca sĩ nổi tiếng về để rao bán.

Tuy nhiên, chất lượng bản thu âm lậu rất kém và ai cũng có quyền sở hữu. Do đó sản phẩm NFT hóa phát huy giá trị khi mang tính độc nhất, chất lượng thu âm cao và có chữ ký độc quyền bằng các tập tin không thể sao chép của tác giả khi kiểm tra trên blockchain.

Thách thức của music NFTs

Nghệ sĩ nhạc Pop, Nika Roza Danilova với nghệ danh là Zola Jesus bán được 2 sản phẩm NFT âm nhạc và kiếm được một ít tiền. Tuy nhiên, nữ ca sĩ cảm thấy quan ngại về nhiều vấn đề trong không gian âm nhạc của NFT. Cô nói: “Những nhà đầu tư trên thị trường chỉ quan tâm đến NFT hơn là thứ nghệ thuật tôi làm. Tác phẩm được mua bán không phải vì chất lượng hay ý đồ nghệ thuật. Chúng được bán như một dạng cổ phiếu thu nhỏ. Đây không thực sự giống như một hệ thống tài chính “phi tập trung.”

Vấn đề của Danilova quả thực đúng khi thị trường NFT được hình thành một phần từ thị trường tiền mã hóa, nơi lợi nhuận là một trong những yếu tố được đưa lên hàng đầu. Việc tích hợp nghệ thuật âm nhạc vào trong thị trường này bên cạnh tạo ra nguồn thu nhập lớn cho các nghệ sĩ, đó còn là vấn đề về việc đầu cơ và thao túng NFT để kiếm lời.

Danilova nói: “Khi bạn sở hữu bản quyền, bạn đang góp phần vào sự thành công hay thất bại của bản nhạc.”

Ngoài ra, việc phổ cập blockchain và NFT chưa thực sự rộng rãi trên thế giới. Đặc biệt đối với người hâm mộ nghệ thuật thì việc sở hữu đĩa thu âm hay bộ sưu tập album của thần tượng là điều khó khăn, chưa kể đến họ phải mất khoảng thời gian nhất định để làm quen và giao dịch trên các nền tảng Web3.

Kết luận

Với những tính hiệu tích cực từ thị trường và số lượng các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống tham gia vào không gian NFT ngày càng đông, tương lai của music NFTs đang mở rộng hơn bao giờ hết. “Nơi nào có rủi ro, nơi đó có cơ hội”, việc phổ biến music NFTs là chặng đường dài và nhiều thách thức trước mắt. Tuy nhiên, công chúng không thể phủ nhận tiềm năng phát triển mà NFT và công nghệ blockchain mang lại khi tích hợp cùng với nền âm nhạc truyền thống lâu đời.

Hãy theo dõi cùng Meta Cryptal để cập nhật thêm những tin tức liên quan đến thị trường. Hy vọng bài viết giúp mọi người củng cố thêm kiến thức và nắm bắt thêm về lĩnh vực này.

Leave a Reply